Sáng 30.6, ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục với phần thảo luận tại hội trường. Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp chủ trì phiên thảo luận.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng điều hành phần thảo luận tại hội trường
Điều hành phần thảo luận, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm mới đạt 3,9%. Trong đó, nêu rõ các giải pháp gắn với chức năng, trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương; thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt là rào cản trở phát triển để tập trung thảo luận những giải pháp khắc phục, giải quyết. Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến vào nội dung các tờ trình, báo cáo tại kỳ họp, đề xuất những giải pháp xử lý những vấn đề bức xúc ở cơ sở như xử lý rác thải ở nông thôn, tình trạng thiếu giáo viên...Các đại biểu cũng cần tập trung đề xuất, kiến nghị những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và của các đại biểu HĐND tỉnh.
Tham gia thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng mặc dù tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên nếu tiếp tục kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì việc tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 8% là có thể thực hiện được. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được coi là một giải pháp căn cơ để thực hiện được mục tiêu trên.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, Hải Dương đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Với những kinh nghiệm đã có, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Hải Dương sẽ chủ động đối phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, để phòng chống dịch hiệu quả cần tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các lực lượng chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, sàng lọc, cách ly, không để mầm bệnh phát sinh trong cộng đồng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, nhà máy...
Đồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường
Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ. Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các khu công nghiệp và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp như đường trục Đông-Tây, đường vành đại 1 TP Hải Dương, đường tỉnh 394B, các nút giao cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ở các huyện Bình Giang, Thanh Hà... để kết nối các vùng huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công nghiệp của tỉnh.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần điều chỉnh quy chế làm việc của tỉnh và các địa phương để giảm các khâu xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, trong đó nêu cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tạo sự phối hợp đồng bộ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục minh bạch, công khai các quy trình, các bước để nhà đầu tư nắm chắc, bám sát thực hiện. Làm tốt công tác cán bộ để bảo đảm phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn với những lĩnh vực chuyên sâu...
Đồng chí Ngô Quang Giáp, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng phát biểu thảo luận tại hội trường
Một trong những điểm nghẽn trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đại biểu Ngô Quang Giáp, Bí thư huyện ủy Cẩm Giàng nêu ra là tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong bố trí tái định cư, tình trạng khiếu kiện nhiều, việc công khai quy hoạch còn hạn chế... Đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng phản ánh: "Nguyên nhân tình trạng trên là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, gây khó khăn thực hiện và dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu nại. Đơn giá bồi thường đất nông nghiệp còn thấp so với các địa phương lân cận. Chưa có sự thống nhất về giá bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thống nhất giữa các dự án do doanh nghiệp và nhà nước làm chủ đầu tư. Việc xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng chưa thể hiện "5 rõ", chưa phát huy được vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ngay từ khi triển khai dự án...".
Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề nghị HĐND tỉnh hằng năm đưa nội dung giải phóng mặt bằng vào chương trình giám sát, nhất là giám sát việc phối hợp giữa các sở, ngành với các địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng cần có quy trình thực hiện các bước, ban hành một số nguyên tắc cụ thể trong việc quy định mức giá hỗ trợ, bồi thường, tiêu chuẩn tái định cư... trong toàn tỉnh để các địa phương thực hiện thống nhất.
Tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất giữa 3 cấp đối với các dự án đấu giá sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất cũng là một điểm nghẽn được đại biểu Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nam Sách nêu ra. Đại biểu cho rằng đây là nguyên nhân chi phối việc các huyện chỉ triển khai cầm chừng các dự án thời gian qua.
Bí thư Thị ủy Kinh Môn Sái Thị Yến phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường
Đại biểu Sái Thị Yến, Bí thư Thị ủy Kinh Môn cho rằng trong phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng. Cùng với quan tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu là vải thiều, tỉnh cần quan tâm, có chính sách ưu đãi thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng cần quan tâm, tiếp tục xem xét hỗ trợ liên kết sản xuất, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh, nhất là những sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản. Cùng với hỗ trợ 7 xã khó khăn về đích nông thôn mới, đề nghị tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ, động viên các địa phương đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại biểu Lê Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ, kích thích, đưa dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất tạo ra sản phẩm. Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép.
Thảo luận các vấn đề liên quan đến đời sống công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh, đại biểu Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết trong đợt dịch lần thứ 3 có trên 30.000 công nhân phải nghỉ việc tạm thời để phòng chống dịch nên thu nhập bị ảnh hưởng, đời sống gặp khó khăn. Vấn đề nhà ở đang là nút thắt lớn đối với đời sống của người lao động, đề nghị tỉnh tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ công nhâ. Trong đó, các huyện trong triển khai quy hoạch các khu cụm công nghiệp cần quy hoạch nhà ở cho công nhân, lao động với các công trình kèm theo như nhà trẻ mẫu giáo, chợ dân sinh, có cơ chế hỗ trợ công nhân lao động vay tiền lãi suất thấp để mua nhà ở.
Đồng chí Mai Xuân Anh cũng phản ánh tình trạng công nhân phải trả tiền điện sinh hoạt giá cao vẫn tồn tại. Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên. Tỉnh cũng cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp để bảo đảm an toàn sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình một số ý kiến của các đại biểu
Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, đồng chí Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường đã tồn tại kéo dài và ngày càng phức tạp. Đối với ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc khắc phục. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên ngành, liên cấp, liên tỉnh nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Hoàng Văn Thực, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh gửi công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan và các địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp giải quyết. Sở cũng đã xây dựng hệ thống quan trắc tự động, đang xây dựng quy chuẩn cụ thể để áp dụng khi cấp phép cho doanh nghiệp xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Về vấn đề xử lý rác thải, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, chi phí chôn lấp rác thải lớn hơn chi phí vận chuyển chuyển rác thải đến các nhà máy xử lý. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan phối hợp xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải, triển khai thực hiện, giải quyết vấn đề xử lý rác thải. Đồng chí đề nghị tỉnh cần hạn chế chấp thuận các dự án ngoài khu, cụm công nghiệp để bảo đảm việc xử lý rác thải, nước thải theo đúng yêu cầu, quy định...
Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để trình Hội đồng thẩm định tỉnh và HĐND tỉnh đề triển khai thực hiện. Sở sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị để tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương nên xây dựng phương án với từng dự án cụ thể, bám sát hướng dẫn của tỉnh đã ban hành để chủ động triển khai thực hiện.
Trả lời một số ý kiến hỏi về dư địa nguồn thu trên địa bàn tỉnh còn hay không, đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng còn nhiều dư địa khả thi. Cụ thể, số doanh nghiệp nộp ngân sách trên 100 tỷ không nhiều, nhưng còn nhiều doanh nghiệp có thể nộp ở mức cao. Đồng chí đề nghị tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành để mở rộng, thu hút các doanh nghiệp có thuế suất cao như sản xuất bia, thép… để tạo nguồn thu lớn trong tỉnh. Cần có tầm nhìn, chiến lược phát triển phù hợp để phát huy nguồn lực nội tại từ các doanh nghiệp hiện có trong khi chưa hoặc khó thu hút đầu tư mới.
Đồng chí Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên thảo luận
Giải đáp một số ý kiến liên quan đến kiến nghị về định mức biên chế giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh các cấp…đồng chí Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành là còn thiếu hơn 2.600 giáo viên các cấp, trong khi đó quy mô, số học sinh, số lớp tăng không ngừng tăng. “Giáo viên không thể giảm biên chế cơ học như ngành khác được”, đồng chí Giám đốc sở khẳng định, vì giáo viên phải dạy theo tiết, theo lớp, theo quy định “cứng” nên không thể giảm về số lượng "cứng" như các ngành.
Cho rằng hạn chế về cơ sở vật chất kéo dài nhiều năm luôn gây khó khăn cho toàn ngành, đồng chí Lương Văn Việt chỉ rõ nguyên nhân chính là do đầu tư nhỏ giọt, dàn trải, khó khăn trong mua sắm tập trung. Ngành đề nghị thực hiện nghiêm đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt về bổ sung hỗ trợ xây dựng phòng học; bổ sung hỗ trợ mua sắm máy móc cho các nhà trường…
Về những khó khăn của các địa phương nêu về giao chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô tuyển sinh vào các cấp học…, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng “thực tế hiện nay biên chế chỉ có giảm không tăng, trong khi học sinh thì tăng liên tục do dân số phát triển” nên việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đã gây ra nhiều nghịch lý. Ví dụ như tỷ lệ tuyển sinh ở Cẩm Giàng luôn biến động mạnh qua từng năm. Khẳng định vấn đề mấu chốt chính là biên chế, ngành sẽ rà soát và sớm đề xuất HĐND tỉnh xem xét theo hướng tăng biên chế cho khu vực dân số tăng lớn.
Sau phần phát biểu thảo luận của các đại biểu, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu tiếp thu các ý kiến, đồng thời giải trình làm rõ hơn một số nội dung và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021 để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà HĐND thông qua.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tiếp thu các ý kiến và làm rõ một số nội dung trong phiên thảo luận tại hội trường
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục, như: việc xây dựng, ban hành các Đề án, Chương trình, Nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các Nghị quyết của Chính phủ còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số cấp huyện có việc chưa thực sự sâu sát, quyết liệt; tính chủ động trong tham mưu, đề xuất của một số sở, ban, ngành còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra; thu ngân sách chủ yếu từ tiền sử dụng đất. Việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện một số dự án còn chưa kịp thời. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, song kết quả chưa đạt như mong muốn…
Nhận định 6 tháng còn lại của năm 2021 là thời gian nước rút để các cấp, các ngành hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021, trong điều kiện dự báo tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục còn nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành các Đề án, Chương trình, Nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính để giải quyết kịp thời các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, bên cạnh đó tuyên truyền cho nhân dân, doanh nghiệp nắm vững chính sách pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công và thực hiện có hiệu quả các biện pháp để điều hành thu, chi ngân sách, phấn đấu vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định của Trung ương về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...