Chiều 22/3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp rà soát tiến độ xây dựng hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới và xây dựng hồ sơ đề nghị di tích Đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang là di tích Quốc gia đặc biệt.
Tham dự buổi làm việc có Tiến sĩ Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương có liên quan.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc", có phạm vi nghiên cứu gồm: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh; Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai thuộc tỉnh Hải Dương; Khu Di tích và danh thắng Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thuộc tỉnh Quảng Ninh; Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Đến nay, Sở đã tổ chức sưu tầm các tài liệu, kết quả các cuộc nghiên cứu khoa học từ trước đến nay về Quần thể di tích danh thắng Yên Tử; tổ chức khảo sát thực tế tại 06 khu di tích trên địa bàn 03 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương; tổ chức thám sát, khai quật, khảo cổ tại 08 điểm di tích của 03 tỉnh. Đồng thời, trên cơ sở kết quả của các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học về xác định các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc cảnh quan…để làm căn cứ xây dựng Hồ sơ di sản. Đồng thời, đã xây dựng bản thảo Hồ sơ đề cử, gồm 09 chương (khoảng 950 trang).
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh: Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Hải Dương ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hải Dương phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và các bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong quý II/2023. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Được ghi danh vào bản đồ di sản thế giới sẽ mở ra cơ hội rất lớn quảng bá mảnh đất, con người, tiềm năng du lịch Hải Dương với quốc tế, nên có thể coi đây là nhiệm vụ chung, trọng tâm của năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc, tạo sức lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân; qua đó thay đổi nhận thức biến di sản văn hóa thành tài nguyên phát triển du lịch không chỉ trong nước mà cả thế giới biết đến di tích này.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Trung báo cáo tiến độ xây dựng hồ sơ khoa học
Dự kiến danh mục di tích thành phần đưa vào xây dựng Hồ sơ bao gồm 28cụm/điểm). Trong đó tỉnh Hải Dương gồm 12 điểm di tích. Khu di tích Côn Sơn gồm: chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, Ngũ Nhạc linh từ; Khu di tích Kiếp Bạc gồm: đền Kiếp Bạc, đền chùa Nam Tào, đền chùa Bắc Đẩu; Di tích động Kính Chủ gồm: động Kính Chủ, chùa Dương Nham; Di tích khảo cổ học chùa Nhẫm Dương và các hang động gồm: chùa Nhẫm Dương, hang Thánh hoá, hang Tĩnh Niệm.
Lãnh đạo thị xã Kinh Môn phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến tham gia phát biểu của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí đối với các nội dung Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất. Thống nhất triển khai các nội dung công việc xây dựng hồ sơ đảm bảo hoàn thành theo các mốc: Hoàn thiện bản thảo Hồ sơ đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2023; Hoàn thiện Hồ sơ đề cử trình UNESCO trước ngày 30/9/2023; Hoàn thiện Hồ sơ chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2023.
Đồng thời, yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch 02 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, đơn vị tư vấn xây dựng Hồ sơ để tham mưu cho 03 tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các Văn bản pháp lý theo quy định, đánh giá các giá trị nổi bật toàn cầu, làm rõ tính xác thực, tính toàn vẹn, mô hình quản lý theo các tiêu chí đã cam kết đối với các cụm điểm di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương để hoàn thiện Hồ sơ trước khi trình UNESCO Paris vào cuối năm 2023. Giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2023 - 2030, định hướng đến năm 2050 để có cơ sở triển khai các dự án thành phần (hồ Thanh Long) và hoàn thiện các công trình tại khu di tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc
UBND thị xã Kinh Môn cần khẩn trương hoàn thiện, trình, phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tại Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 03/12/2020.
Về việc nghiên cứu đưa Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thuộc tỉnh Quảng Ninh và phạm vi xây dựng Hồ sơ khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần nghiên cứu xem xét ý kiến của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tại Văn bản số 02/HĐDSVHQG-VP ngày 09/02/2023 và Ý kiến của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tại Văn bản số 10/UBQG về việc Báo cáo tóm tắt đề nghị: “cân nhắc việc bổ sung di tích Bãi cọc Bạch Đằng vì những tác động không thuận có thể có từ bên ngoài như Bộ Ngoại giao đã nêu ngày 09/5/2020”.
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đề nghị Sở Thông tin Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để quảng bá các giá trị Di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Cường, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ để Hải Dương sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO
Phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm với Hải Dương, Trưởng phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Nguyễn Viết Cường ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh, nhất là ngành văn hóa Hải Dương, đã đồng thuận, phối hợp trong việc hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tiến sĩ Nguyễn Viết Cường sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ để Hải Dương cùng Quảng Ninh, Bắc Giang sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Sớm triển khai lập Hồ sơ khoa học di tích Quốc gia đặc biệt đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo báo cáo, một năm đền Tranh có hai kỳ lễ hội: lễ hội mùa Xuân (từ ngày 09 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, trọng hội là ngày mồng 10); lễ Tiệc quan (ngày 25 tháng 5 âm lịch) và lễ dâng hương mùa Thu (từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 âm lịch). Trong đó, lễ hội mùa Xuân được tổ chức với quy mô lớn với nhiều nghi lễ như tế lễ, lễ rước nước, đọc văn tế… và nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh pháo đất, đi cầu thùm, bịt mắt bắt vịt. Đặc biệt là diễn xướng hầu Thánh và Hát văn đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Tranh.
Lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhất trí chủ trương lập Hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt di tích đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, đồng thời khẳng định: Đền Tranh có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và Giá trị về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật Hát văn và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Chủ tịch UBND tỉnh UBND huyện Ninh Giang rà soát diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia năm 2009 để có cơ sở thiết lập Khoanh vùng Bảo vệ di tích mới để đề xuất UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, đề xuất loại hình di tích xếp hạng là Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân).
Về đơn vị lập Hồ sơ khoa học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề xuất Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp UBND huyện Ninh Giang lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ khoa học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về tiến độ xây dựng Hồ sơ, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất đối với đề xuất của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Theo đó, trong tháng 3 - 4/2023, xin chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập Hồ sơ khoa học di tích Quốc gia đặc biệt đền Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang; Tháng 5 - 9/2023, lập Hồ sơ khoa học di tích đền Tranh, tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến của các nhà khoa học Trung ương và địa phương tham gia góp ý hoàn thiện Hồ sơ; Tháng 10 - 11/2023, hoàn thiện Hồ sơ (bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, lý lịch di tích, sơ đồ bài trí hiện vật, phim, ảnh tư liệu...); Tháng 12/2023, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.