Kể từ ngày 01/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân sẽ thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính như thế nào là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Theo nghị định 104/2022 NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công quy định: khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho công dân, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công phải khai thác sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư bằng một trong các phương pháp: tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; tra cứu thông tin cá nhân qua tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VnelD; sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QR Code hoặc thiết bị được chips trên thẻ căn cước công dân gắn chips; các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp không thể khai thác được các thông tin về cư trú của công dân theo hình thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú như Thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư (việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ). Do vậy, để đảm bảo yêu cầu về dữ liệu thông tin về cư trú, người dân cần lưu ý: kiểm tra dữ liệu thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đầy đủ, chính xác. Khi có sự thay đổi thông tin về căn cước công dân và cư trú của mình, người dân cần thực hiện ngay việc yêu cầu cơ quan Công an (Công an cấp xã) điều chỉnh, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở Dữ liệu dân cư đảm bảo thống nhất, chính xác, kịp thời.
T/h: Đài phát thanh Tp Hải Dương