na
Tin trong nước - Quốc tế
Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/11
16/11/2022 03:24:20

Thông cáo báo chí của VPCP về Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Chương trình hành động nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và khu vực duyên hải Trung Bộ tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%.

Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỉ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.

Đến năm 2030, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỉ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỉ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỉ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.

7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

2. Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

3. Phát triển văn hóa, xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

4. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng: Tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hoà-Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương.

 5. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng: Thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng, liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hoá cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ.

6. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại: Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; khu vực, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong và khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong như hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, trong các khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

7. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế trong đó tổ chức lại một số vụ, cục thuộc Bộ Y tế.

Nghị định số 95/2022/NĐ-CP quy định Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Về y tế dự phòng, Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật về các lĩnh vực: Giám sát, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; tiêm chủng; an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm y tế; kiểm dịch y tế biên giới; vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh sức khỏe trường học; dinh dưỡng cộng đồng; phòng, chống tác hại của thuốc lá; phòng, chống tác hại của rượu, bia; chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm, danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng vaccine và sinh phẩm y tế cho các đối tượng bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Tổ chức thực hiện việc giám sát đối với bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh không rõ nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các vấn đề y tế công cộng khác; phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch và tổ chức thực hiện công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan cung cấp chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền nhiễm…

Về khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế-kỹ thuật, các tiêu chí chất lượng về lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, an toàn truyền máu, điều dưỡng, phục hồi chức năng, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn; phẫu thuật thẩm mỹ; hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật; phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành; quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo từng tuyến;

Quản lý việc cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức thực hiện việc cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ khác (trừ thuộc Bộ Quốc phòng), người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam; cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tư nhân hoặc bệnh viện thuộc các bộ khác (trừ thuộc Bộ Quốc phòng) theo quy định của pháp luật…

Về trang thiết bị và công trình y tế, Bộ có nhiệm vụ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chiến lược, chính sách, kế hoạch về trang thiết bị y tế; ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động sự nghiệp y tế; ban hành danh mục trang thiết bị y tế phải được kiểm định và quy trình kiểm định đối với từng loại trang thiết bị y tế trong danh mục.

Cấp mới, đình chỉ, thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế; cấp mới, thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế; ban hành văn bản thu hồi và công khai văn bản thu hồi kết quả phân loại trang thiết bị y tế; cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; công khai thông tin và hồ sơ công bố đối với nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế và chất ngoại kiểm có chứa chất ma túy và tiền chất;

Công khai thông tin và hồ sơ công bố đủ điều kiện thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật trang thiết bị y tế; cấp mới, cấp lại, cấp bổ sung, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định trang thiết bị y tế trong phạm vi được phân công quản lý theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế các thông tin về: giá trang thiết bị y tế mà doanh nghiệp kê khai; giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế Nhà nước trên phạm vi toàn quốc; danh sách các trang thiết bị y tế đã bị thu hồi số lưu hành…

Tổ chức lại một số vụ, cục thuộc Bộ Y tế

Trước đây, Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 quy định Bộ Y tế có 23 tổ chức, trong đó có 20 tổ chức giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Nay Nghị định số 95/2022/NĐ-CP quy định Bộ Y tế có 21 tổ chức, trong đó có 18 tổ chức giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Trong đó, Nghị định 95/2022/NĐ-CP giữ nguyên 16 tổ chức có chức năng quản lý nhà nước của Bộ Y tế gồm: 1- Vụ Bảo hiểm y tế; 2- Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em; 3- Vụ Tổ chức cán bộ; 4- Vụ Kế hoạch-Tài chính; 5- Vụ Pháp chế; 6- Vụ Hợp tác quốc tế; 7- Văn phòng Bộ; 8- Thanh tra Bộ; 9- Cục Khoa học công nghệ và đào tạo; 10- Cục Y tế dự phòng; 11- Cục Phòng, chống HIV/AIDS; 12- Cục Quản lý môi trường y tế; 13- Cục Quản lý khám, chữa bệnh; 14- Cục Quản lý y, dược cổ truyền; 15- Cục Quản lý dược; 16- Cục An toàn thực phẩm.

Đồng thời, giữ nguyên Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Báo Sức khỏe và Đời sống.

Nghị định 95/2022/NĐ-CP tổ chức lại một số tổ chức như: Tổng cục Dân số chuyển thành Cục Dân số. Không duy trì Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Y Dược học. Thành lập Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế và Trung tâm Thông tin y tế quốc gia.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 15/11/2022 điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026, giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng ký Quyết định số 1417/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 bổ nhiệm lại ông Trần Quý Kiên giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 phê duyệt Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030".

Phát triển thị trường xuất, nhập khẩu tăng trưởng bền vững

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các mạng phân phối nước ngoài trên các kênh xuất khẩu truyền thống và kênh thương mại điện tử, hướng tới mô hình sản xuất - xuất khẩu - phân phối ổn định, bền vững;

Góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng bài bản, bền vững, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp; thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất xanh sạch, bền vững, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cao cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có năng lực cung ứng hàng hóa khối lượng lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, uy tín.

Năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại tất cả quốc gia có hiệp định FTA với Việt Nam

Cụ thể, Đề án phấn đấu hỗ trợ về thông tin thị trường cho 20.000 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho 15.000 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đồng thời, tổ chức 10.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Khuyến khích doanh nghiệp phát triển đại lý phân phối tại thị trường nước ngoài

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài, tổ chức các hoạt động truyền thông; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài xây dựng chiến lược thu mua bền vững với thị trường Việt Nam; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chủ động phát triển hệ thống đại lý phân phối tại thị trường nước ngoài để đưa hàng vào các mạng phân phối nước ngoài….

Trong đó, Đề án triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu xanh - sạch; khuyến khích chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất; thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất như tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất (đặc biệt là những ngành nông thủy sản) nhằm hướng đến quá trình sản xuất hợp lý, tiết kiệm và thân thiện với môi trường; khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo (đặc biệt là ngành chế biến nông lâm thuỷ sản), liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu và với các tập đoàn phân phối.

Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế và phối hợp với các tập đoàn phân phối quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm Việt Nam…

Kỷ luật ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1421/QĐ-TTg ngày 15/11/2022 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác. 

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ thời điểm công bố Quyết định số 580-QĐ/TW ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng./.

Nguồn: Theo Báo điện tử Chính phủ

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân thành phố
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Hồ Đăng - Chủ tịch UBND thành phố
Cơ quan thường trực: Văn phòng HĐND và UBND thành phố
Địa chỉ: Số 106 - Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Điện thoại: (0220) 3859.078 - Fax: (0220) 3849.054
  Email: ubnd.tphaiduong@haiduong.gov.vn; ubndtphd@gmail.com; vanphong.tphaiduong@haiduong.gov.vn
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0