Sáng 27.8, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành, địa phương có liên quan báo cáo về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các vấn đề có liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản của Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương. Đồng chí Lưu Văn Bản - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đánh giá cụ thể, chi tiết về thực trạng hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, những tồn tại, bất cập, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục các tồn tại, thống nhất công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã đạt được những kết quả tích cực, hệ thống pháp luật về khoáng sản từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến, làm tăng giá trị khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập, xảy ra nhiều hệ lụy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác và xử lý vi phạm khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định; nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; kiên quyết tham mưu cho UBND tỉnh không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong thăm dò, khai thác khoáng sản; dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đánh giá về hoạt động các bến bãi, gắn với các sông, Phó Chủ tịch Thường trực Lưu Văn Bản khẳng định: thời gian qua, các ngành, địa phương chưa thực sự phối hợp quản lý chặt chẽ, dẫn đến hoạt động tại các bến bãi chưa đảm bảo về môi trường, an ninh trật tự… do vậy, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thành lập ngay đoàn kiểm tra, công khai xử lý các trường hợp sai phạm. Đối với hoạt động của bến bãi, phải có giấy phép hoạt động, việc mua bán vật tư phải có trách nhiệm khai báo và kê khai đối với Cơ quan Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Song song với công tác kiểm tra, xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Xây dựng, Công thương và các sở ngành liên quan sớm thảo luận, thống nhất để ban hành văn bản quản lý về hoạt động tài nguyên khoáng sản, trong đó cần đưa ra một số nguyên tắc, quy định hoạt động nhằm đảm bảo minh bạch nguồn đầu vào, thu Thuế ở phạm vi này, tạo sự công bằng cho các chủ bến bãi hoạt động.
Giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tham mưu cho tỉnh quy hoạch những vùng nguyên liệu để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các công trình trên địa bàn tỉnh (chậm nhất ngày 20.9 có báo cáo đề xuất). Trong đó, việc đánh giá hoạt động khai thác của các mỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có báo cáo tổng hợp cụ thể đánh giá thực trạng hoạt động khai thác của các mỏ.
Thảo luận về vấn đề về đất đai, môi trường, khoáng sản liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương; Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo đề xuất những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản trong quá trình triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện BOT, đặc biệt là dự án bãi thải xỉ, các tồn tại, thiếu sót; đề xuất các giải pháp, khắc phục trong thời gian tới; đề xuất triển khai việc đánh giá các tác động ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân khi xây dựng, vận hành đường băng xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 378-TB/TU ngày 16/8/2021. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất các vấn đề có liên quan đến đề điều, công tác quản lý, bảo vệ rừng; các tồn tại, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục theo quy định.
Tại cuộc họp, UBND thị xã Kinh Môn cũng có báo cáo, đánh giá các vấn đề có liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản thuộc thẩm quyền của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện BOT; các tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp khắc phục các tồn tại, bất cập trong thời gian tới.
Qua nghe báo cáo và ý kiến tham gia của các địa biểu dự họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu BOT khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá rõ mức độ và khả năng sử dụng thải xỉ của nhà máy. Về khói bụi, trên cơ sở quan trắc, cần công khai cho địa phương để kịp thời theo dõi, giám sát. Về thải xỉ, nhà đầu tư khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng sử dụng thải xỉ này vào các lĩnh vực khác phù hợp. Bên cạnh đó, cần có báo cáo đánh giá mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển thải xỉ đến người dân; làm cơ sở để lên phương án quy hoạch tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu Nhà đầu tư làm rõ phần diện tích đất không thuộc phạm vi khai thác nhưng vẫn tiến hành khai thác và ngược lại phần diện tích được giao thì lại không tiến hành khai thác. Đồng chí đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm tra khổi lượng khai thác, xác định đo kiểm từ đó xác định về nghĩa vụ thuế, trách nhiệm với các cơ quan liên quan, xử lý dứt điểm những sai phạm. Các sở ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ gửi báo cáo đánh giá về Uỷ ban trước ngày 17.9.2021.